ĐỀ ÁN SẮP XẾP XÃ HÀ LƯƠNG VỚI XÃ ĐẠI PHẠM HUYỆN HẠ HÒA
Phần I
CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP
CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH (ĐVHC) CẤP XÃ
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14;
Căn cứ Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030;
Căn cứ Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025;
Căn cứ Phương án tổng thể số 4716/PA-UBND ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh Phú Thọ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023-2025.
Căn cứ Phương án tổng thể số 1617/PA-UBND ngày 25/9/2023 của UBND huyện Hạ Hòa sắp xếp ĐVHC cấp xã của huyện Hạ Hòa giai đoạn 2023-2025;
Căn cứ Hướng dẫn số 307/HD-SNV ngày 22/3/2024 của Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025;
Căn cứ Lịch sử Đảng bộ huyện Hạ Hòa;
Căn cứ Lịch sử Đảng bộ các xã: Hà Lương, Đại Phạm.
II. SỰ CẦN THIẾT PHẢI SẮP XẾP ĐVHC XÃ HÀ LƯƠNG VỚI ĐVHC XÃ ĐẠI PHẠM
- Nhập xã Hà Lương (thuộc diện phải sắp xếp) có 10,52 km2 diện tích tự nhiên (đạt 21,03% quy định), dân số 3.149 người (đạt 62,98%); xã Đại Phạm có 21,83 km2 diện tích tự nhiên (đạt 43,66% quy định), dân số 5.856 người (đạt 117,12%).
- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ĐVHC xã Hà Lương thuộc đối tượng phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
- Mục tiêu của việc sắp xếp ĐVHC cấp xã để thành lập ĐVHC cấp xã mới cơ bản đảm bảo về tiêu chuẩn của ĐVHC sau sắp xếp so với quy định, mở rộng không gian, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải sắp xếp, nhập ĐVHC xã Hà Lương (thuộc diện phải sắp xếp) với ĐVHC liền kề: xã Đại Phạm.
- Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước ổn định ĐVHC cấp xã vào năm 2030; sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; tiết kiệm nguồn ngân sách chi thường xuyên, tăng cường nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...
Phần II
HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP
I. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THUỘC DIỆN PHẢI SẮP XẾP
ĐVHC: Xã Hà Lương
+ Thuộc khu vực: Miền núi;
+ Diện tích tự nhiên: 10,52 km2 (đạt 21,03% quy định);
+ Quy mô dân số: 3.149 người (đạt 62,98% quy định);
+ Số dân là người dân tộc thiểu số: 102 người (chiếm tỷ lệ 3,24%);
+ Chính sách đặc thù đang hưởng: Không;
+ ĐVHC cùng cấp liền kề: Xã Đại Phạm, Tứ Hiệp, Gia Điền.
+ Số lượng cán bộ, công chức cấp xã: 18 người/18 số lượng được giao;
- Số lượng cán bộ cấp xã: 10 người (chức vụ bố trí kiêm nhiệm: Chủ tịch HĐND), trong đó: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;
- Số lượng công chức cấp xã: 08 người; trong đó: Chỉ huy trưởng quân sự: 01 người, Văn phòng - Thống kê: 02 người, Tài chính - Kế toán: 01 người, Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường: 02 người, Tư pháp - Hộ tịch: 01 người, Văn hóa - Xã hội: 01 người;
+ Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 07 người/09 số lượng được giao (chức danh bố trí kiêm nhiệm: Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Truyền thanh - Tuyên truyền, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ): Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội người cao tuổi.
II. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ LIỀN KỀ THỰC HIỆN SẮP XẾP
Tên ĐVHC: Xã Đại Phạm
+ Thuộc khu vực: Miền núi;
+ Diện tích tự nhiên: 21,83 km2 (đạt 43,66% quy định);
+ Quy mô dân số: 5.856 người (đạt 117,12% quy định);
+ Số dân là người dân tộc thiểu số: 253 người (chiếm tỷ lệ 4,32%);
+ Chính sách đặc thù đang hưởng: Không;
+ ĐVHC cùng cấp liền kề: Xã Hà Lương, Tứ Hiệp, Đan Thượng.
+ Số lượng cán bộ, công chức cấp xã: 20 người/20 số lượng được giao;
- Số lượng cán bộ cấp xã: 11 người (chức vụ bố trí kiêm nhiệm: Chủ tịch HĐND), trong đó: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, 02 Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;
- Số lượng công chức cấp xã: 09 người; trong đó: Chỉ huy trưởng quân sự: 01 người, Văn phòng - Thống kê: 02 người, Tài chính - Kế toán: 01 người, Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường: 02 người, Tư pháp - Hộ tịch: 01 người, Văn hóa - Xã hội: 02 người;
+ Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: 09 người/ 10 số lượng được giao (chức danh bố trí kiêm nhiệm: Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ): Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Truyền thanh - Tuyên truyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chỉ huy trưởng quân sự, Chủ tịch Hội người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi.
Phần III
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ
I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ
1. Thành lập ĐVHC xã Đại Phạm mới
Thành lập ĐVHC xã Đại Phạm mới trên cơ sở nhập toàn bộ 10,52 km2 diện tích tự nhiên, 3.149 người của ĐVHC xã Hà Lương;
Nhập toàn bộ 21,83 km2 diện tích tự nhiên, 5.856 người của ĐVHC xã Đại Phạm vào xã Đại Phạm mới
2. Cơ sở của việc sắp xếp
- Về lịch sử, xã Đại Phạm và Hà Lương thuộc Tổng Đại Phạm (gồm có 5 làng: Đại Phạm, Hà Lương, Lương Bằng, Nghĩa Lương, Sơn Nhiễu). Hai xã trên, trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp cùng thuộc Chiến khu 10; Nhân dân 2 xã về phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, văn hóa có nhiều nét tương đồng.
- Về vị trí địa lý, hai xã Hà Lương và Đại Phạm giáp ranh, liền kề với nhau, có hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng nằm trên trục đường Tỉnh lộ 314 từ Ấm Hạ đi Quốc lộ 70; sau sáp nhập hình thành xã mới không bị chia cắt về địa hình, khoảng cách đi lại từ nơi xa nhất của các xã cũ đến trung tâm xã mới (dự kiến đặt tại Đại Phạm) tương đương nhau, không có chênh lệch quá lớn.
- Về kinh tế, 2 xã có đặc điểm, điều kiện phát triển kinh tế giống nhau, chủ yếu sản xuất nông nghiệp (trồng rừng và chăn nuôi), phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến gỗ, các loại hình dịch vụ thương mại phát triển chung trên trục đường Tỉnh lộ 314, Quốc lộ 70... Vì vậy, sau khi thực hiện sắp xếp đời sống của Nhân dân không có nhiều xáo trộn.
- Tuy nhiên, phương án sáp nhập xã Hà Lương với xã Đại Phạm để hình thành ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên, quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND huyện giải trình, bởi các lý do sau:
+ Cuối thế kỷ XIX, xã Đại Phạm và Hà Lương cùng thuộc Tổng Đại Phạm, gồm có 5 làng: Đại Phạm, Hà Lương, Lương Bằng, Nghĩa Lương, Sơn Nhiễu (trong đó làng Đại Phạm, Nghĩa Lương, Sơn Nhiễu thuộc xã Đại Phạm; làng Hà Lương thuộc xã Hà Lương hiện tại); trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, xã Hà Lương và Đại Phạm cùng thuộc Chiến khu 10 (đã được Nhà nước cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa), có nhiều yếu tố lịch sử gắn kết lâu đời; xã Đại Phạm và Hà Lương có chung những phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa; điều kiện và đời sống sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của người dân hai xã giống nhau; Nhân dân hai địa phương có truyền thống đoàn kết; giao thông đi lại giữa 2 xã đã và đang được nâng cấp, làm mới đảm bảo rất thuận lợi; hoạt động giao thương tập trung phần lớn ở chợ dân sinh (tại xã Đại Phạm hiện nay); con em của xã Hà Lương chủ yếu học tập tại xã Đại Phạm, khi sắp xếp có nhiều thuận lợi cho con em xã Hà Lương tiếp tục học tập ổn định, phụ huynh học sinh và Nhân dân đồng thuận cao.
+ Để đảm bảo cho việc tính toán, lập phương án cho các xã khác (xã Gia Điền, thuộc diện phải sắp xếp, giai đoạn 2026 - 2030) liền kề với xã Hà Lương (thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025), huyện không còn ĐVHC cấp xã nào khác để tính toán sắp xếp với xã Hà Lương. Cụ thể:
Một là, xã Hà Lương tiếp giáp liền kề với 03 xã: Đại Phạm, Gia Điền, Tứ Hiệp. Trong đó, xã Tứ Hiệp đã thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Xã Gia Điền nằm trong phương án sắp xếp với xã Ấm Hạ và xã Phương Viên (theo Văn bản số 2335/UBPL15 ngày 20/11/2023 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Nội vụ thống nhất theo phương án của UBND tỉnh Phú Thọ). Trong đó, xã Phương Viên thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025; xã Ấm Hạ và xã Gia Điền thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, UBND huyện Hạ Hòa đề xuất lựa chọn phương án sắp xếp thực hiện luôn các ĐVHC cấp xã liền kề liên quan với nhau trong cùng giai đoạn 2023 - 2025; bởi vì, nếu để lại 02 xã (Ấm Hạ và Gia Điền thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030) thì sẽ không còn xã liền kề nào để lên phương án; đồng thời nếu nhập 02 xã (Ấm Hạ với Gia Điền ở giai đoạn 2026 - 2030 thì ĐVHC mới cũng không đủ tiêu chí về diện tích).
Hai là, nếu sáp nhập xã Phương Viên (xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025) vào xã Hương Xạ (là xã giáp ranh, liền kề với xã Phương Viên; không thuộc diện phải sắp xếp) thì xã mới hình thành sau sắp xếp vẫn không đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định về diện tích; đồng thời cứ tăng thêm một đơn vị hành chính không thuộc diện phải sắp xếp vào phương án sẽ thêm khó khăn về việc sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức cấp xã dôi dư (trong khi huyện Hạ Hòa còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp 82 công chức cấp xã hiện còn dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã từ giai đoạn 2019 - 2021; dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, tiếp tục giảm 07 ĐVHC cấp xã, số CBCC cấp xã dôi dư của toàn huyện sẽ tăng lên khoảng trên 240 người).
- Xã Phương Viên và xã Gia Điền là hai xã tiếp giáp liền kề với xã Hà Lương. Tuy nhiên, không thể xây dựng phương án sắp xếp xã Hà Lương với xã Phương Viên và Gia Điền. Bởi xã Phương Viên nằm trong phương án sắp xếp với xã Ấm Hạ và Gia Điền (thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030); nếu thực hiện phương án sắp xếp xã Hà Lương, Gia Điền với xã Phương Viên (trong khi thực hiện cả phương án sắp xếp thị trấn Hạ Hòa với xã Minh Hạc), thì chỉ còn lại duy nhất xã Ấm Hạ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ không thể thực hiện được việc sắp xếp vì không còn ĐVHC cấp xã nào liền kề để thực hiện sắp xếp.
- Nếu thực hiện phương án sắp xếp xã Hà Lương với xã Gia Điền và Phương Viên để hình thành xã (là những xã liền kề nhau) thì ĐVHC mới sáp sắp xếp có địa hình, đường biên kéo dài giáp ranh với huyện Đoan Hùng, sẽ gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước của chính quyền xã mới, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính trên địa bàn.
- Hiện tại, xã Hà Lương không có trường THCS, học sinh cấp THCS của Hà Lương đang tham gia học tập tại trường THCS Đại Phạm, khoảng cách đi lại, giao thông kết nối giữa Đại Phạm và Hà Lương giúp cho học sinh đi học được thuận lợi hơn so với việc theo học trường THCS ở xã liền kề khác (THCS Gia Điền). Do vậy, sau khi sắp xếp hai xã để hình thành ĐVHC cấp xã mới sẽ không gây xáo trộn việc học tập của học sinh.
- Trong lịch sử các xã Hà Lương, Gia Điền, Phương Viên không cùng Tổng hoặc Liên xã, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống sản xuất của Nhân dân ba xã trên không có sự tương đồng. Qua công tác nắm tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân hai xã Đại Phạm và Hà Lương việc lập phương án sáp nhập 2 xã để thành lập ĐVHC cấp xã mới sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân và cán bộ, đảng viên. Đối với phương án thực hiện sắp xếp 3 xã gồm Hà Lương, Gia Điền, Phương Viên để thành lập ĐVHC xã mới sẽ không nhận được sự đồng thuận của đại đa số Nhân dân. Nhân dân xã Gia Điền không có nhiều nét tương đồng về phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa, điều kiện và đời sống sản xuất kinh tế xã hội so với xã Đại Phạm và Hà Lương. Điều đó sẽ tạo nên những yếu tố thiếu tính ổn định phù hợp, khó hòa nhập và đoàn kết thống nhất trong các tầng lớp Nhân dân sau sắp xếp ĐVHC cấp xã; từ đó tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khi triển khai quy trình lấy ý kiến cử tri về Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Về tên gọi ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp dự kiến lấy tên Đại Phạm. Bởi xã Đại Phạm và xã Hà Lương về truyền thống lịch sử cùng thuộc Tổng Đại Phạm, cùng thuộc địa danh Chiến Khu 10 đã được Nhà nước cấp bằng công nhận. Việc đặt tên ĐVHC xã mới là Đại Phạm rất phù hợp cho việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đúng với tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân của hai xã.
II. ĐVHC HÌNH THÀNH SAU SẮP XẾP
+ Thuộc khu vực: Miền núi;
+ Diện tích tự nhiên: 32,35 km2 (đạt 64,69% quy định);
+ Quy mô dân số: 9.005 người (đạt 180,1% quy định);
+ Số dân là người dân tộc thiểu số: 355 người (chiếm 4,94%);
+ ĐVHC cùng cấp liền kề: Xã Đan Thượng,Tứ Hiệp, Gia Điền.
+ Nơi đặt trụ sở làm việc: UBND xã Đại Phạm hiện tại. Lý do: Hiện nay, trụ sở xã Đại Phạm nằm ở vị trí trung tâm xã mới, có điều kiện cơ sở vật chất tốt; giao thông đi lại thuận tiện cho Nhân dân hai xã cũ; có quỹ đất để nghiên cứu quy hoạch mở rộng, nâng cấp hoặc xây mới trụ sở xã mới trong thời gian tới.
Phần IV
ĐÁNH GIÁ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP
1. Những thuận lợi
Trong lịch sử, xã Đại Phạm và Hà Lương từng thuộc Tổng Đại Phạm; thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp cùng thuộc Chiến khu 10, có nhiều yếu tố lịch sử gắn kết; có chung những phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, văn hóa; điều kiện và đời sống sản xuất phát triển kinh tế xã hội của người dân hai xã giống nhau; giao thông đi lại giữa 2 xã rất thuận lợi, đã và đang được nâng cấp, làm mới; hoạt động giao thương của Nhân dân Hà Lương tập trung chủ yếu ở chợ dân sinh (tại xã Đại Phạm hiện nay); con em Hà Lương đang học tập tại trường THCS Đại Phạm; việc lập phương án sáp nhập 2 xã sẽ nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân và cán bộ, đảng viên.
- Việc sắp xếp, sáp nhập xã Hà Lương và xã Đại Phạm để thành lập đơn vị hành chính xã mới có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, vị trí địa lý để phát triển.
- Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải trong khi nhu cầu sử dụng còn hạn chế; thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa.
- Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của cải cách hành chính tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức.
2. Những khó khăn
Dự kiến xã mới hình thành sau khi sáp nhập vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định (đạt 64,68% so với tiêu chuẩn). Địa hình xã mới tương đối rộng, trải dài và giáp ranh với huyện Đoan Hùng và một số huyện của tỉnh Yên Bái, chính quyền xã mới sẽ gặp nhiều khó khăn về công tác quản lý địa bàn. Trong khi đó, các xã thuộc huyện, giáp ranh, liền kề (gồm: Tứ Hiệp, Đan Thượng) đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2020.
- Việc sắp xếp ĐVHC xã Hà Lương và Đại Phạm để hình thành ĐVHC xã mới tác động đến công tác bố trí, lựa chọn cán bộ lãnh đạo quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được tiếp tục công tác và người dôi dư do sắp xếp lại. Nhiều cán bộ, công chức bị ảnh hưởng về tâm tư, nguyện vọng, không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong một khoảng thời gian nhất định.
- Sau khi ĐVHC xã mới được thành lập, ảnh hưởng đến việc thay đổi giấy tờ hộ tịch, tâm lý làng, xã, thiết chế văn hóa và phong tục tập quán riêng được hình thành từ lâu đời, cơ sở hạ tầng,... dẫn đến tâm lý Nhân dân ngại thay đổi, không muốn sắp xếp, sáp nhập.
- Sau khi sáp nhập, quy mô dân số tăng, các thiết chế văn hóa thay đổi như: Trụ sở làm việc của ĐVHC cấp xã, Nhà văn hóa khu dân cư chưa đáp ứng được ngay điều kiện làm việc của cán bộ, công chức; việc tổ chức hội họp của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên; các hoạt động học tập, sinh hoạt cộng đồng và Nhân dân sau khi sáp nhập gặp nhiều khó khăn.
II. SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ; NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH; GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP DÔI DƯ DO SẮP XẾP
1. Kiện toàn tổ chức tại ĐVHC sau sắp xếp
a) Giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư trước khi ĐVHC mới đi vào hoạt động: Không;
+ Số lượng cán bộ, công chức nghỉ hưu, thôi việc (nếu có): Không.
+ Số lượng cán bộ, công chức bố trí điều động đến đơn vị khác: Không.
b) Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bố trí ở ĐVHC hình thành sau sắp xếp: 38 người; trong đó:
+ Số cán bộ cấp xã: 11 người;
+ Số công chức cấp xã: 27 người;
- Tổng số đại biểu HĐND của ĐVHC hình thành sau sắp xếp: 38 đại biểu;
c) Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã ở ĐVHC hình thành sau sắp xếp: 12 người: Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội Nông, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội người cao tuổi, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ; Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi, Phó Chỉ huy trưởng quân sự (02), Văn phòng Đảng ủy, Truyền thanh - Tuyên truyền.
3. Phương án giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp
- Giải quyết nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách nghỉ hưu trước tuổi (từ năm 2025 đến hết năm 2029): 16 người (Có độ tuổi vào diện nghỉ hưu trước tuổi theo Điều 5, Điều 8 Nghị định số 29 của Chính phủ) giải quyết theo lộ trình, hướng dẫn và chính sách hỗ trợ của tỉnh;
- Rà soát để bố trí điều động, tuyển dụng vào đơn vị khác còn thiếu về số lượng biên chế (từ năm 2025 đến hết năm 2029): Không.
- Dự kiến đến hết năm 2029 số lượng cán bộ, công chức còn dôi dư: Không.
4. Phương án giải quyết người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp
- Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã trước khi sắp xếp ĐVHC: 16 người;
- Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã bố trí theo quy định ở ĐVHC hình thành sau sắp xếp: 12 người;
- Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp ĐVHC: 04 người, giải quyết theo hướng dẫn, chính sách hỗ trợ của tỉnh.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ
1. Trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện
1.1. Các phòng, ban, đơn vị
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai các nội dung liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Kịp thời hướng dẫn việc thực hiện các công việc có liên quan thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã.
- Chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến ngành, lĩnh vực, phù hợp với việc điều chỉnh, sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
- Cung cấp các số liệu và phối hợp với Phòng Nội vụ (Cơ quan thường trực) tổng hợp, tham mưu thực hiện kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp xã của huyện và các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng Đề án (khi có yêu cầu).
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét, tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã đảm bảo chất lượng, thời gian theo tiến độ quy định.
- Tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và giải trình các ý kiến tham gia, thẩm định của các sở, ngành của tỉnh (nếu có) trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC xã Hà Lương và xã Đại Phạm.
1.2. Phòng Nội vụ
a) Là cơ quan đầu mối giúp UBND huyện tiếp nhận, tổng hợp, xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp xã Hà Lương và Đại Phạm; chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã: Hà Lương, Đại Phạm kịp thời hướng dẫn, giải đáp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của hai địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã và chủ động xin ý kiến Sở Nội vụ, báo cáo Lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
b) Theo dõi, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo thời gian, tiến độ đề ra.
c) Tham mưu xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC xã Hà Lương và xã Đại Phạm; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn ĐVHC xã mới; phối hợp tham mưu bố trí cán bộ; chủ trì tham mưu cho UBND huyện phương án bố trí sắp xếp công chức xã; đối tượng không chuyên trách cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách cho những người liên quan đủ điều kiện nghỉ công tác theo quy định.
d) Tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Hà Lương và xã Đại Phạm tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
đ) Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND xã Hà Lương và xã Đại Phạm, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn xã.
e) Phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND huyện trình Hội đồng nhân dân huyện xem xét, thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC xã Đại Phạm.
f) Tham mưu UBND huyện hoàn thiện hồ sơ sắp xếp ĐVHC xã Đại Phạm báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
g) Tham mưu tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức tại các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Trường hợp thật sự cần thiết phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý công chức xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện theo thẩm quyền.
h) Tham mưu cho UBND huyện các nội dung, nhiệm vụ liên quan công tác công bố Nghị quyết của UBTV Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp xã để các xã đi vào hoạt động đảm bảo đúng quy định.
1.3. Phòng Kinh tế và Hạ tầng
a) Chủ trì, tham mưu UBND huyện trong công tác phối hợp với Sở, ngành liên quan thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để bảo đảm sự thống nhất quy hoạch này với Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã.
b) Tham mưu việc thực hiện đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với cấp xã khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.
c) Rà soát, tham mưu báo cáo đề xuất UBND huyện tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở công tác tại những ĐVHC nhập, điều chỉnh vào ĐVHC khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
1.4. Phòng Tài nguyên và Môi trường
Chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu bản đồ và chuẩn bị các loại bản đồ hiện trạng địa giới ĐVHC huyện, cấp xã bản đồ phương án sắp xếp ĐVHC khi có yêu cầu.
1.5. Phòng Tài chính - Kế hoạch
a) Tổng hợp dự toán kinh phí đề xuất, báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện bố trí nguồn kinh phí đảm bảo công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đảm bảo theo quy định.
b) Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, các đơn vị liên quan về dự toán, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính;
c) Chủ trì tham mưu cho UBND huyện ban hành hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp xã tổ chức kiểm đếm, lập hồ sơ chuẩn bị bàn giao cơ sở vật chất, tài sản công, tài chính, công nợ của các xã, thị trấn nằm trong Đề án sắp xếp để bàn giao về ĐVHC cấp xã mới quản lý.
1.6. Phòng Văn hoá và Thông tin
a) Chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện việc tiếp thu ý kiến của cử tri, Nhân dân; rà soát hệ thống tư liệu lịch sử để cung cấp thông tin cho UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện việc dự kiến việc đặt trung tâm xã mới đảm bảo yêu cầu đề ra (nếu có sự thay đổi).
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí: Đài truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ... tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về việc sắp xếp ĐVHC xã Hà Lương và xã Đại Phạm.
c) Tham mưu UBND huyện tổ chức thông tin, tuyên truyền và chỉ đạo UBND xã Hà Lương và xã Đại Phạm tổ chức thông tin, tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về chủ trương, phương án và các nội dung liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã.
d) Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên thông tin về kết quả đạt được, những gương làm tốt, những việc chưa làm được, nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan, giải pháp khắc phục và những bài học kinh nghiệm quý, cách làm hay trong việc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.
đ) Tham mưu UBND huyện hướng dẫn xác định ĐVHC xã Hà Lương và xã Đại Phạm về đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán riêng biệt (nếu có).
1.7. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
Tham mưu UBND huyện hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh các chính sách thuộc lĩnh vực lao động - xã hội và chính sách đối với người có công tại ĐVHC xã Hà Lương và xã Đại Phạm.
1.8. Văn phòng HĐND và UBND huyện
a) Phối hợp với Phòng Nội vụ dự thảo các văn bản của UBND huyện báo cáo, xin ý kiến Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp xã.
b) Phối hợp tham mưu tổ chức các cuộc họp của HĐND, UBND huyện liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp xã (xin ý kiến về thời gian, triển khai Giấy mời, địa điểm họp; chuẩn bị cơ sở, vật chất và điều kiện tổ chức các cuộc họp...).
c) Phối hợp với Phòng Nội vụ trình Hội đồng nhân dân huyện xem xét, thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
d) Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC.
đ) Chủ trì tham mưu cho UBND huyện duy trì hoạt động đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã trong thời gian trước, trong và sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, không làm ảnh hưởng gián đoạn, gây ảnh hưởng đến giao dịch, giải quyết TTHC của Nhân dân, doanh nghiệp.
1.9. UBND xã Hà Lương và xã Đại Phạm
a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền tới cán bộ, công chức và Nhân dân về chủ trương, phương án và các nội dung liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
c) Thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến cử tri; chịu trách nhiệm về kết quả lấy ý kiến cử tri; tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn báo cáo UBND huyện (qua phòng Nội vụ) để báo cáo UBND tỉnh.
d Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn xã.
1.10. Đề nghị các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng đề án, kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ trực tiếp hoặc kiêm nhiệm tham mưu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo ngành dọc khi xã mới đi vào hoạt động, thực hiện việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cấp ủy Đảng, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hà Lương và xã Đại Phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp xã.
1.11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện
a) Xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy, cán bộ theo ngành dọc ở ĐVHC cấp xã mới khi đi vào hoạt động. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn UB MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội xã Hà Lương và xã Đại Phạm tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức trong xã hội, các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã.
b) Phối hợp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã.
2. Trách nhiệm sau khi ĐVHC cấp xã mới hình thành
2.1. Phòng Nội vụ
a) Tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan theo hướng dẫn của Sở Nội vụ rà soát, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC, phân loại ĐVHC hình thành sau sắp xếp.
b) Tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Hà Lương và xã Đại Phạm sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại ĐVHC hình thành sau sắp xếp; hướng dẫn việc giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã.
2.2. Phòng Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn và tham mưu thực hiện rà soát, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau khi sắp xếp ĐVHC do thay đổi đường địa giới hành chính và tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp.
2.3. Phòng Tài chính - Kế hoạch
a) Hướng dẫn và thực hiện việc thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể do thay đổi địa giới, tên gọi đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp.
b) Đôn đốc việc bàn giao tài sản tài chính, cơ sở vật chất giữa ĐVHC xã cũ và ĐVHC xã mới ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu, phương án xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư tại các ĐVHC cấp cac mới; việc thực hiện quy định về miễn phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của đơn vị hành chính.
2.4. Phòng Tư pháp
a) Hướng dẫn cấp xã tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch và tư pháp.
b) Hướng dẫn phổ biến giáo dục pháp luật về sắp xếp ĐVHC cấp xã; việc áp dụng pháp luật về các nội dung liên quan khi thực hiện thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC sau thực hiện sắp xếp.
2.5. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
Tham mưu UBND huyện hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh các chính sách thuộc lĩnh vực lao động - xã hội và chính sách đối với người có công tại ĐVHC xã Đại Phạm sau khi thực hiện sắp xếp.
2.6. Phòng Giáo dục và Đào tạo
Tham mưu UBND huyện chỉ đạo rà soát, đề xuất việc sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn ĐVHC xã Đại Phạm sau thực hiện sắp xếp.
2.7. Công an huyện
a) Hướng dẫn, thực hiện thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC thực hiện sắp xếp; hướng dẫn việc chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi ĐVHC thực hiện sắp xếp.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp xã hướng dẫn, thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền.
2.8. Ban Chỉ huy quân sự huyện
Hướng dẫn về tổ chức lực lượng dân quân tự vệ sau sắp xếp ĐVHC cấp xã.
2.9. UBND xã Đại Phạm (xã thành lập mới)
a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan và Công an huyện hướng dẫn, thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo đội ngũ công chức tạo điều kiện cho người dân trong sinh hoạt và giao dịch ở ĐVHC mới hình thành sau khi sắp xếp; tiếp tục duy trì, củng cố các lực lượng tham gia bảo đảm về an ninh, trật tự ở cơ sở khi sắp xếp ĐVHC cấp xã.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
1. Kết luận
- Việc sáp nhập xã Hà Lương chưa đạt tiêu chí theo quy định vào xã Đại Phạm để thành lập ĐVHC xã mới là cần thiết và khách quan; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc sáp nhập thành ĐVHC xã mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động của tổ chức cộng đồng các khu dân cư trên địa bàn; đảm bảo thực hiện tốt quy định và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đại Phạm; tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, Nhân dân các xã, khu dân cư liên quan và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước.
- Từ tình hình thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, các yếu tố về lịch sử, văn hóa của ĐVHC xã chưa đạt tiêu chí về diện tích và dân số, theo các số liệu đã điều tra khảo sát, đối chiếu với quy định hiện hành, việc sáp nhập xã Hà Lương và xã Đại Phạm nêu trên là có đầy đủ cơ sở khoa học; số liệu đảm bảo chính xác, khách quan; quy trình triển khai xây dựng hồ sơ, đề án được tiến hành công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Việc xây dựng Đề án sắp xếp xã Hà Lương và xã Đại Phạm là việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quá trình đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; là việc làm thiết thực, phù hợp yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của tỉnh Phú Thọ, của huyện Hạ Hòa trong thời gian tới.
- Việc sắp xếp tinh giản bộ máy, biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức và quyền lợi của cán bộ, công chức… Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; phải xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
2. Kiến nghị, đề xuất
- Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sớm có chủ trương, ban hành các chính sách để hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện.
- Đề nghị Ban Thường vụ Huyện uỷ thành lập Tổ công tác của Ban Thường vụ Huyện uỷ để tổ chức chỉ đạo sắp xếp các xã: Hà Lương và Đại Phạm để thành lập xã mới và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua kế hoạch, đề án theo quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các xã nêu trên đảm bảo theo quy định.
Trên đây là Đề án sắp xếp xã Hà Lương, Đại Phạm để thành lập ĐVHC mới xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn; UBND xã: Hà Lương, Đại Phạm tổ chức thực hiện theo nội dung, yêu cầu đề ra đảm bảo đạt hiệu quả cao./.
( Đề án đã được Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh- Chủ Tịch UBND huyện Hạ Hoà ký ngày 09/4/2024 theo văn bản số 608/ DA-UBND)
Thực hiện : Hoàng Nam